Chuyên mục lưu trữ: Thuốc và sức khỏe

10 thông tin giúp hiểu rõ hơn ung thư vòm họng

1. Ung thư vòm họng là gì?

(SKDS) – Vòm họng là phần cao nhất của họng. Ung thư vòm họng (K vòm) là những ung thư xuất phát từ biểu mô vùng vòm họng.

2. Vì sao bị mắc ung thư vòm?

Nguyên nhân chính xác gây ung thư vòm chưa được sáng tỏ.

Nhiễm virus Epstein-Barr có thể liên quan đến bệnh nhưng chưa chứng minh được đầy đủ. Trong nhiều trường hợp, các nhà nghiên cứu thấy có những mảnh AND của virus Epstein-Barr kết hợp với ADN của tế bào trong vòm họng nhưng một số trường hợp khác, nhiều trường hợp nhiễm virus Epstein-Barr nhưng lại phục hồi hoàn toàn.

 Ăn nhiều dưa cà muối là một yếu tố nguy cơ gây ung thư.

Các nguy cơ khác gây bệnh cũng chưa có bằng chứng rõ ràng nhưng hay gặp trên người châu Á, tiền sử uống nhiều rượu, hút thuốc. Chế độ ăn nhiều cá muối và thức ăn lên men (dưa, các loại củ) được xem là những yếu tố nguy cơ gây bệnh.

3. Ung thư vòm họng hay xảy ra với người Việt Nam như thế nào?

Ung thư vòm họng thường gặp nhất trong các ung thư đầu cổ và là một trong 10 ung thư phổ biến tại Việt Nam. Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng hay gặp ở nam giới, tuổi từ 40 – 60.

4. Phòng tránh ung thư vòm họng bằng cách nào?

Bệnh ung thư vòm họng ở người không có yếu tố nguy cơ rõ ràng, do đó chưa có biện pháp phòng bệnh đặc hiệu.

Một số yếu tố về chế độ ăn uống và thói quen dùng rượu, thuốc lá có liên quan với nguy cơ gây bệnh nên thay đổi chế độ ăn, hạn chế rượu, thuốc lá có thể làm giảm nguy cơ này.

5. Cách phát hiện sớm ung thư vòm

Mặc dù rất khó khăn, tuy nhiên, có thể dựa vào các triệu chứng bất thường về TMH. Điều trị thông thường không khỏi. Và điều quan trọng là cảnh giác, nghĩ đến bệnh để đi khám đúng chuyên khoa (TMH hoặc ung bướu).

6. Làm thế nào để biết chắc bị mắc bệnh ung thư vòm?

Bệnh có thể gây ra một hoặc nhiều triệu chứng. Bạn nên đi khám nếu có thấy một/nhiều triệu chứng sau:

Cảm thấy có khối bất thường vùng cổ hay họng; Đau họng; Khó thở hoặc nói; Chảy máu cam; Ngạt tắc mũi; Khó nghe; Đau hoặc ù tai; Đau nửa đầu.

Các thầy thuốc sẽ kiểm tra tai mũi họng. Khi phát hiện có u vòm sẽ lấy sinh thiết làm chẩn đoán xác định.

7. Người mắc ung thư vòm họng được điều trị như thế nào?

Xạ trị là phương thức điều trị chủ yếu cho bệnh khi ở giai đoạn tại chỗ tại vùng. Khi toàn trạng chung của người bệnh tốt và trong các cơ sở y tế có nhiều kinh nghiệm, người bệnh có thể được cân nhắc xạ trị phối hợp với hóa trị. Hóa trị kết hợp có thể làm tăng hiệu quả của điều trị chính nhưng làm kéo dài thời gian điều trị, tăng chi phí và chịu thêm những ảnh hưởng không mong muốn của điều trị.

Khi bệnh đã có di căn xa, điều trị chủ yếu là làm giảm triệu chứng và nâng cao chất lượng sống.

 Hình ảnh khối u vòm họng.

8. Người mắc ung thư vòm nên ăn uống như thế nào?

Nói chung, không có khuyến cáo chế độ ăn dành riêng cho người bệnh. Nên ăn lỏng, chế độ ăn đầy đủ, cân đối và vệ sinh miệng, họng tốt hằng ngày.

9. Sau điều trị, người bị ung thư vòm nên vận động và làm việc như thế nào?

Sau điều trị, người bệnh vẫn cần tự chăm sóc và hoạt động thể lực hợp lý để có được tình trạng sức khỏe chung tốt. Ngoài ra, nên vệ sinh miệng, họng; tập há miệng và xoa bóp vùng cổ hằng ngày để phòng, giảm các ảnh hưởng ngoại ý muộn do xạ trị. Không có một chỉ định riêng về vận động và làm việc cho người bệnh ung thư vòm họng.

10. Những người mắc ung thư vòm ở Việt Nam đã được cứu sống hoặc kéo dài cuộc sống như thế nào?

Theo dữ liệu của từ điển bách khoa điện tử (Wikipedia) tỉ lệ về sống thêm 5 năm của những người được chẩn đoán tại Mỹ hiện nay như sau:

Giai đoạn I: 98%; Giai đoạn II:  95%; Giai đoạn III:  86%; Giai đoạn IV: 73%.

Một số nghiên cứu trong những năm gần đây cho thấy, kết quả điều trị ung thư vòm tại Việt Nam đã được cải thiện một cách đáng kể, tuy nhiên, còn thấp hơn của nước ngoài.

Dự án Phòng chống bệnh ung thư

Dùng thuốc qua mũi có thể bị hại

Có thể dùng đường mũi để đưa thuốc vào cơ thể với hai mục tiêu: trị bệnh tại chỗ, trị bệnh toàn thân.

Các lợi điểm khi đưa thuốc theo đường mũi

Dùng qua mũi, thuốc không bị chuyển hóa nơi ruột và gan như thuốc uống. Như thuốc Desmopressin trị đái tháo nhạt, đái dầm được bào chế dưới dạng bơm, xịt vào mũi để tránh bị phân hủy khi đi qua đường tiêu hóa. Hay thuốc Sumatriptan trị nhức đầu kiểu migraine dùng cách đưa qua đường mũi vừa cho tác động nhanh hơn vừa tránh bị phản ứng gây nôn khi uống thuốc dưới dạng viên.

 Dùng thuốc qua mũi có thể bị hại 1

 

Những giới hạn và tác hại của đưa thuốc theo đường mũi

– Những loại thuốc phải dùng thường xuyên và đưa vào cơ thể nhiều lần trong ngày không thích hợp với đường mũi vì có thể gây hại cho tế bào màng mũi.

– Khó kiểm soát chính xác số lượng thuốc được hấp thu qua đường mũi. Vì thế, bệnh nhân dùng thuốc qua đường mũi có khi phải được tận tình cách bơm xịt và hít thở đúng cách để thuốc (đặc biệt là thuốc trị suyễn, COPD) không bị thất thoát.

– Điều hết quan trọng là thuốc dùng qua mũi vẫn có thể gây ngộ độc, đặc biệt là trẻ con nếu dùng thuốc không đúng.

Những vụ ngộ độc do thuốc dùng qua mũi

– Một loại thuốc dùng qua mũi đồng thời là thuốc thoa giảm đau dùng lâu đời là dầu gió, cao xoa (còn gọi là dầu cù là). Để có tác dụng thông mũi, sát trùng đường hô hấp và giảm đau, dầu gió hay cao xoa chứa nhiều loại tinh dầu bay hơi như: tinh dầu bạc hà (menthol), tinh dầu chương não (camphor), đặc biệt, một số dầu xoa có chứa thêm methyl salicylat, tinh dầu bạch đàn (tinh dầu khuynh diệp), tinh dầu thông… Đã có nhiều thông tin báo cáo trẻ sơ sinh bị ngộ độc vì mẹ mới sinh dùng dầu gió xức cho mình và làm dầu này dính trên mũi cháu bé. Menthol, camphor có tác dụng kích ứng hô hấp trẻ sơ sinh, khi trẻ hít phải các chất này sẽ làm trẻ ngưng thở do suy hô hấp. Phụ nữ cho con bú cũng tránh không nên dùng thuốc thoa chứa methyl salicylat vì thuốc có thể dính ở đầu vú, trẻ bú vú sẽ nuốt phải methyl salicylat và ngộ độc.

– Một loại thuốc dùng qua mũi là thuốc nhỏ mũi có tác dụng co mạch, chống sung huyết nhằm trị nghẹt mũi, sổ mũi có thể trở thành tai họa cho trẻ nhỏ. Một số cha mẹ tự mua thuốc nhỏ mũi co mạch nhỏ cho trẻ và trẻ bị ngộ độc. Từ năm 1985 – 2012, FDA Mỹ đã xác định có 96 trường hợp trẻ em ở Mỹ từ 1 tháng đến 5 tuổi đã bị ngộ độc vì các chế phẩm chứa chất co mạch là naphazolin. Còn ở ta trong thời gian qua, BV. Nhi Đồng 1 TP.HCM đã cấp cứu chữa cho một số trẻ nhũ nhi bị thở yếu, tay chân lạnh, tím tái vì được cho nhỏ mũi thuốc có chứa naphazolin.

Bị sổ mũi nghẹt mũi là do ở niêm mạc mũi bị rối loạn như bị dị ứng gây giãn mạch, tiết dịch và có hiện tượng sung huyết. Vì thế, khi dùng thuốc nhỏ mũi có chứa dược chất có tác dụng cường giao cảm thần kinh (hay trực giao cảm TK) như: naphazolin (biệt dược Nasoline, Rhinex 0,05 %), oxymetazolin, xylometazolin… làm cho co mạch và giảm sung huyết ở niêm mạc mũi, làm nước mũi hết chảy ràn rụa. Đối với trẻ nhỏ, trẻ sơ sinh, nhũ nhi, tác dụng gây co mạch của thuốc không chỉ khu trú ở niêm mạc mũi mà gây co mạch toàn thân, tức co mạch ở cả tim, gan, thận… đưa đến tai biến gây tím tái, vã mồ hôi, choáng, phải được cấp cứu tại bệnh viện. Vì vậy, đối với trẻ dưới 8 tuổi, tuyệt đối không dùng thuốc nhỏ mũi chứa dược chất làm co mạch, chống sung huyết để nhỏ mũi. Cũng vì tác dụng cường giao cảm TK gây co mạch mà người lớn là bệnh nhân bị bệnh tăng huyết áp, tim mạch, cường giáp hay phụ nữ có thai và cho con bú phải rất thận trọng, chỉ nên dùng thuốc nhỏ mũi loại này khi được bác sĩ chỉ định, không nên tự ý sử dụng bừa bãi. Đặc biệt, thuốc nhỏ mũi co mạch chống sung huyết dùng lâu dài có thể gây hiện tượng “bật lại” (rebound) tức lúc đầu làm hết sổ mũi, nghẹt mũi nhưng sau đó gây ngẹt mũi trở lại, làm viêm mạn tính niêm mạc mũi rất khó trị. Vì vậy, có khuyến cáo người lớn bình thường không dùng thuốc nhỏ mũi co mạch, chống sung huyết quá 5 ngày.

Trẻ nhỏ, nhũ nhi, phụ nữ có thai hoặc người lớn cần nhỏ mũi thường xuyên nên dùng dung dịch natri clorid 0,9% (NaCl 0,9%), còn gọi là dung dịch “nước muối sinh lý” để nhỏ.

PGS.TS. NGUYỄN HỮU ĐỨC

Không dùng Furosemid cho người cao tuổi

Furosemid là thuốc lợi tiểu được chỉ định dùng trong các trường hợp phù phổi cấp; phù do tim, gan, thận và các loại phù khác. Trong điều trị tăng huyết áp thì furosemid không phải là thuốc chính để điều trị mà phối hợp với các thuốc chống tăng huyết áp khác để điều trị tăng huyết áp ở người có tổn thương thận… Thuốc không được dùng với những trường hợp sau: mẫn cảm với furosemid và với các dẫn chất sulfonamid (ví dụ như sulfamid chữa đái tháo đường), tình trạng tiền hôn mê gan hay hôn mê gan, vô niệu hoặc suy thận do các thuốc gây độc đối với thận hoặc gan. Đối với người bệnh phì đại tuyến tiền liệt hoặc đái khó cần dùng thuốc một cách thận trọng vì có thể thúc đẩy bí tiểu tiện cấp làm bệnh trầm trọng hơn.

Thuốc có thể qua nhau thai vào thai nhi gây rối loạn nước và chất điện giải cho thai nhi hoặc làm giảm tiểu cầu ở trẻ sơ sinh. Vì vậy, để tránh nguy cơ này trong 3 tháng cuối thai kỳ chỉ được dùng khi không có thuốc thay thế, và chỉ với liều thấp nhất trong thời gian ngắn. Đối với trường hợp cho con bú, dùng furosemid trong thời kỳ này có nguy cơ ức chế tiết sữa. Trường hợp này nên ngừng cho con bú.

 Người cao tuổi cần dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ.  Ảnh: H.Linh

Tác dụng không mong muốn của thuốc chủ yếu xảy ra khi điều trị liều cao (chiếm 95% trong số phản ứng có hại). Hay gặp nhất là mất cân bằng điện giải (5% người bệnh đã điều trị), điều này xảy ra chủ yếu ở người bệnh giảm chức năng gan và với người bệnh suy thận khi điều trị liều cao kéo dài. Các dấu hiệu mất cân bằng điện giải bao gồm đau đầu, tụt huyết áp và chuột rút… nên cần kiểm tra thường xuyên điện giải đồ. Một số trường hợp nhiễm cảm ánh sáng cũng đã được báo cáo. Thường gặp là các triệu chứng như hạ huyết áp tư thế đứng, giảm natri, can xi, kali huyết. Việc bổ sung kali hoặc dùng kèm với thuốc lợi tiểu giữ kali có thể được chỉ định cho người bệnh có nguy cơ cao phát triển hạ kali huyết.

Ngoài ra, một số người bệnh có thể thấy buồn nôn, nôn hay rối loạn tiêu hóa. Hiện tượng ù tai, giảm thính lực có thể xảy ra khi dùng liều cao nhưng sẽ hồi phục khi ngừng thuốc. Việc sử dụng thuốc lợi tiểu mạnh như furosemid có thể gây ra thiếu máu cục bộ ở não nên không dùng để điều trị chống tăng huyết áp cho người cao tuổi.

Khi dùng cần chú ý, thuốc còn chất lượng thể hiện dung dịch không màu hoặc viên màu trắng. Khi thấy thuốc biến màu là hỏng. Cần để thuốc ở nơi mát, tránh ánh sáng.

  Dược sĩ  Hoàng Thu Thủy

Lưu ý dùng thuốc cho người già

Ngày nay, nhờ những tiến bộ về y tế và chăm sóc sức khỏe nên tuổi thọ của con người ngày càng được tăng cao. Song song với đó, tình hình bệnh tật ở người cao tuổi cũng phức tạp hơn do đặc điểm về tâm sinh lý của người già có nhiều thay đổi so với các lứa tuổi khác. Chính vì vậy, việc hiểu biết về một số đặc điểm sinh – bệnh lý và một số điểm đáng lưu ý khi dùng thuốc cho người cao tuổi là hết sức quan trọng.

Những đặc điểm ảnh hưởng tới việc dùng thuốc

Theo thời gian, một số các cơ quan tổ chức của người già đã suy giảm chức năng đáng kể, do vậy dễ dẫn đến hiện tượng chậm đáp ứng rồi lại đáp ứng quá mạnh (nghĩa là liều điều trị rất gần với liều độc).

Người già thường mắc nhiều thứ bệnh phối hợp; dùng thuốc điều trị bệnh này, có thể làm nặng thêm bệnh kia. Hơn nữa, việc điều trị nhiều loại bệnh sẽ dễ dẫn đến tương tác thuốc có hại.

Ảnh minh họa (nguồn Internet)

Bộ máy tiêu hóa của người cao tuổi có nhiều thay đổi do giảm số lượng các tế bào hấp thu kèm theo giảm nhu động ruột cũng như giảm lượng máu tuần hoàn đến ruột dẫn đến việc hấp thu trở nên khó khăn và chậm chạp hơn, trong khi thuốc lưu lại trên đường tiêu hóa lâu hơn lại dễ gây nên các biến chứng trên đường tiêu hóa.

Ở người cao tuổi, khối lượng các mô giảm, do vậy khối lượng nước giảm mà khối lượng mỡ nói chung lại tăng lên. Do vậy, các thuốc tan trong nước sẽ bị tăng nồng độ còn các thuốc tan trong mỡ sẽ bị chậm khởi đầu, nhưng lại tăng thời gian tác dụng, dễ dẫn đến tích lũy gây độc.

Chuyển hóa và thải trừ thuốc được thực hiện qua gan và thận là chủ yếu, nhưng ở người già, khối lượng gan và thận đều giảm; lượng máu đến cũng giảm, do vậy ảnh hưởng tới chuyển hóa của thuốc; dễ dẫn đến tích lũy và gây độc cho 2 cơ quan này.

Nguyên tắc chung dùng thuốc cho người cao tuổi

Hạn chế tối đa việc dùng thuốc cho người cao tuổi; tránh lạm dụng thuốc, nhất là các thuốc được cho là “thuốc bổ”.

Nếu phải dùng thuốc thì dùng càng ít loại càng tốt, chọn loại thuốc ít độc và hiệu quả cao.

Liều dùng phải thích hợp với từng loại bệnh và luôn xem xét, cân nhắc kỹ lưỡng giữa lợi và hại; tương tác giữa các loại thuốc; chức năng gan – thận. Không để tình trạng chữa được bệnh này lại làm nặng thêm bệnh khác.

Phải theo dõi, kiểm tra, đánh giá thường xuyên về hiệu quả cũng như tác dụng phụ của thuốc. Với loại thuốc phải dùng kéo dài, nếu có thể được nên có thời gian nghỉ thuốc xen kẽ để tránh hiện tượng tích lũy thuốc.